Những bí ẩn sau logo các thương hiệu ôtô

Bất kỳ một logo của thương hiệu ôtô nào trên thế giới đều mang một “sứ mệnh” rất lớn và đôi khi trở thành chủ đề bàn luận, trở thành hình ảnh khắc sâu trong tâm trí khách hàng.

BMW từng có nhiều lần thay đổi logo nhưng vẫn mang hình dáng của một cánh quạt quay trên nền xanh. Điều này thể hiện sự tự hào về màu xanh trắng của lá cờ Bavarian quê hương mình.

Song, trong suốt Thế chiến thứ nhất, BMW là nhà cung cấp chính các động cơ máy bay cho chính phủ Đức, nên biểu tượng này còn được cho là tượng trưng cho cánh quạt máy bay quay tròn của Bavarian Luftwaffe thời bấy giờ chỉ có hai màu sắc đặc trưng này.

Audi giờ đây đã quá nổi tiếng với logo 4 vòng tròn lồng vào nhau một cách đơn giản nhưng tinh tế. Thiết kế này thể hiện sự hợp nhất của 4 nhà sản xuất ôtô là Audi, Horch , DKW và Wanderer.

Một hình ảnh giải thích kỹ hơn về ý nghĩa logo của Audi.

Trong lịch sử phát triển, Mazda đã thay đổi logo nhiều lần để phù hợp với từng giai đoạn. Riêng năm 1936 có ý nghĩa đặc biệt nhất khi chữ M được cách điệu thành hình tượng của thành phố Hiroshima. Nhưng sau khi thành phố này bị phá hủy bởi bom nguyên tử, Mazda đã thiết kế lại logo và hoàn thiện tới ngày nay với ý nghĩa tượng trưng cho một đôi cánh, mặt trời và một vòng ánh sáng giống như một chú chim sải cánh không biết mệt mỏi, bay cao và xa hơn

Logo của Mercedes-Benz giờ đã trở nên đơn giản và thanh thoát hơn rất nhiều so với xưa. Tuy nhiên ngôi sao 3 cánh mà hãng xe Đức sử dụng vẫn thể hiện sự sáp nhập của 3 công ty Daimler - Motoren - Gesellschaft và Benz&Cie. Ngoài ra, ngôi sao này còn được cho là thể hiện khao khát chinh phục của Mercedes-Benz trên thị trường.

Toyota là một trong những hãng có logo được thiết kế theo trào lưu biểu tượng hình elip. Điểm tinh tế ở logo này là toàn bộ các chữ cái đều được hiển thị đầy đủ.

Tên thương hiệu Aston Martin được đính trên đôi cánh dài, trải rộng tượng trưng cho khao khát bay tới những vùng đất mới của hãng.

Fiat có lẽ là một trong những hãng xe có logo dễ hiểu nhất khi trong suốt quá trình thay đổi. Chữ Fiat luôn là cảm hứng độc tôn của các nhà thiết kế.

Tương tự, nhằm thể hiện sự tự tôn, Ford cũng có hàng loạt logo mang tên chính mình.

Mitsubishi = Mitsu (ba) + Bishi (kim cương). Thế nên logo của hãng cũng thể hiện hình ảnh này. Ngoài ra, 3 cánh của logo còn là ba chiếc lá của gia tộc Tosan sáng lập ra hãng.

Ferrari có logo là biểu tượng tuấn mã tung vó trên nền vàng tươi thường có hai chữ cái SF (Scuderia Ferrari) ở dưới. Scuderia Ferrari chính là tên đội đua lừng danh của hãng. Ngoài ra, viền của logo còn là 3 màu trong quốc kỳ của Ý.


Cũng dùng một con vật cho logo của mình, Lamborghini sở hữu logo với hình chú bò vàng dũng mãnh với nguồn gốc từ việc hãng tận dụng được thời kỳ máy cày, máy kéo lên cơn sốt lúc Thế chiến thứ 2 kết thúc.

Logo của Rolls-Royce thường có 2 chữ RR chồng lên nhau tượng trưng cho tên của hãng. Còn hình tượng một cô gái đang khom lưng chính là thư ký riêng trong văn phòng của Bá Tước John Scott Montagu, bạn thân của ông chủ Charles Stewart Rolls.

Logo của Porsche được cho là một trong những logo nổi tiếng nhất mọi thời đại khi dùng chính huy hiệu Ngựa Phi của công tước huyền thoại Francesco Baracca – người hùng trẻ tuổi của nước Ý. Những hình ảnh trong logo này còn thể hiện cảm hứng từ những trại ngựa mà vị công tước này từng bay qua.

Logo của Cadillac chính là huy hiệu của nhà chỉ huy quân đội đồng thời là một nhà thám hiểm nổi tiếng xứ Pháp, ông Antoine de la Mothe Cadillac. Biểu tượng này gồm vương miện nhỏ ở phía trên và huy hiệu của dòng họ Cadilac nằm ở chính giữa, bao quanh là vòng nguyệt quế được cách điệu bằng vòng hoa tulip.

Logo hình chú sư tử của Peugeot được thiết kế bởi thợ kim hoàn và điêu khắc Justin Blazer vào năm 1847 dựa trên lá cờ của  Région Franche-Comté. Nó biểu thị cho tinh thần “thép” của hãng cũng như sự dũng mãnh trong các dòng xe của Peugeot.

So với thời kỳ đầu, logo của Renault đã trở nên dễ hiểu hơn khá nhiều. Ban đầu, logo là sự cách điệu của tên các anh em nhà Renault: Louis, Ferdinand và Marcel. Hình xe tăng được thay thế vào các năm sau đó tượng trưng cho thời kỳ hãng làm xe tăng hạng nhẹ cho các nước đồng minh. Cuối cùng, chữ Renault và biểu tượng hình viên kim cương vững chắc và sáng lóa được duy trì tới tận ngày nay.


So với các đối thủ, Volkswagen có logo mang tinh thần ít thay đổi hơn cả. Toàn bộ các biểu tượng mà hãng từng sử dụng đều là chữ V xếp trên chữ W.

Trong khi đó, Lexus lại có hẳn một câu chuyện khá dài về logo. Tên thương hiệu này được ghép từ “Luxury”(sang trọng) và “Elegance” (thanh lịch) nên biểu tượng của hãng cũng thật kỳ công. Logo này được cho là thể hiện cho sự hoàn hảo khi tỷ lệ trục dài/rộng bằng 1,4. Chữ L còn được cách điệu nghiêng 50 độ với hai nét đậm nhạt gấp đôi nhau, gợi lên cảm giác vững vàng, chắc chắn. Độ cao của chữ cái này còn bằng khoảng 75% trục rộng, giữa nét nằm ngang và trục dài cũng có giá trị tương tự, điều đó tạo sự cân đối, hài hoà về tỷ lệ chiếm khoảng không của chữ L so với toàn bộ hình khối.




Loạt 4 logo cuối cùng của Honda, Volvo, Hyundai và Acura đều khá dễ hiểu khi có thể nhận ra ngay các chữ cái đặc trưng trong tên thương hiệu. Nhưng sự đơn giản đó không hề làm mất đi tính tinh tế của các biểu tượng này khi chúng đã gây một ấn tượng không nhỏ trong lòng khách hàng.